Thứ bảy, 27/10/2007, 10:00 GMT+7
Tiểu học TP HCM không mặn mà với chuẩn quốc gia
Bình thản khi biết thành phố thuộc nhóm đạt chuẩn thấp nhất nước, đại diện không ít tiểu học TP HCM cho rằng, họ khó đáp ứng tiêu chí chung mà Bộ giáo dục Đào tạo đề ra và danh hiệu này không thiết thực.
> Tỷ lệ tiểu học TP HCM đạt chuẩn thấp nhất nước
Theo lãnh đạo các trường, họ biết trước sẽ khó đạt chuẩn, vì số lớp học, sĩ số mỗi lớp và diện tích bình quân cho một học sinh đều bị "đội" khá lớn so với quy định của Bộ.
"Chúng tôi xác định có cố cũng không thể đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất nên không mặn mà lắm với danh hiệu này", hiệu trưởng một tiểu học ở quận 3, TP HCM, nói.
Nếu phòng đúng chuẩn, việc dạy và học sẽ tốt hơn . Ảnh: L.H.
Theo tiêu chí của Bộ giáo dục Đào tạo, trường chuẩn quốc gia chỉ được tối đa 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Diện tích đất bình quân cho một học sinh không dưới 6 m2 đối với khu vực nội thành và 10m2 với ngoại thành. Thế nhưng, thống kê từ Sở Giáo dục Đào tạo, nhiều tiểu học TP HCM, nhất là các trường ở địa bàn trung tâm, hoặc đông dân nhập cư, có 40-70 lớp, mỗi lớp 40-50 em. Còn diện tích bình quân cho một em hiện chỉ đạt hơn 2 m2.
Lãnh đạo các trường phản ánh, những kiến nghị mở rộng mặt bằng không có dấu hiệu khả quan. Đơn cử, tiểu học Huỳnh Văn Chính, quận Tân Phú, có diện tích 6.800 m2 với kế hoạch ban đầu phục vụ 1.200 học sinh. Sau 5 năm hoạt động, số học sinh lên tới 3.000 em, mà diện tích đất không thay đổi. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1; Nguyễn Thái Sơn, quận 3; Phan Chu Trinh, quận Tân Phú... cùng chung cảnh ngộ.
"Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị xin một vài khu đất đã giải tỏa quanh khu vực trường và Thảo Cầm Viên, song không có hồi âm. Chúng tôi cũng biết, đất nội thành đã cố định, hoặc quá đắt đỏ, vài chục triệu đồng 1 m2, nên khó cải thiện mặt bằng", bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận I, nói.
Để đầu tư xây dựng cho một tiểu học đạt chuẩn quốc gia, một số phòng giáo dục "chữa cháy" cách "đẩy” học trò sang các trường khác.
Sau 10 năm, phòng giáo dục một số quận, huyện trên địa bàn vẫn sử dụng giải pháp tình thế trên để có thêm đơn vị lọt vào danh sách đạt chuẩn quốc gia. Phương án này khiến các trường "vệ tinh" phải giảm số lớp bán trú khối 4, 5, tăng học một buổi, nhằm thu nhận hết học sinh từ tiểu học được đầu tư đạt chuẩn chuyển sang.
Theo nhiều phụ huynh, phương án giảm sĩ số nhằm đạt diện tích đất theo tiêu chí Bộ đưa ra chứng tỏ sự bất lực của ngành giáo dục thành phố.
"Thật bất công khi vì tôn vinh một trường, mà học sinh nhiều trường khác phải chịu cảnh học chật chội. Tình trạng này sẽ dẫn đến hiện tượng chạy vào trường chuẩn ", chị Hải, phụ huynh quận Tân Bình, nói.
Hầu hết lãnh đạo các trường cho rằng, Bộ nên điều chỉnh quy định đạt chuẩn đối với các thành phố lớn như TP HCM, không nên "cào bằng" với nhiều địa phương khác.
“Tiêu chí chung nhưng diện tích đất của địa phương khác rộng, lại ít học sinh nên dễ chắc chắn họ dễ đạt chuẩn hơn”, bà Chu Ngọc Thịnh, Hiệu trưởng Tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3, phân tích.
Theo ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng giáo dục Tiểu học TP HCM, thành phố không chạy theo thành tích trường đạt chuẩn quốc gia. “Ngành giáo dục sẽ tham mưu khắc phục tình trạng thiếu diện tích đất mở rộng trường. Việc này cần thời gian và phải có sự hỗ trợ của lãnh đạo HĐND, UBND thành phố và các quận, huyện”, ông Điệp nói.
Tổng kết 10 năm xây dựng chuẩn tiểu học quốc gia, Sở Giáo dục Đào tạo thành phố đề nghị các trường sắp xây mới bắt buộc phải đạt chuẩn ngay về cơ sở vật chất. Các quận, huyện chưa có chuẩn tiểu học quốc gia nào, cố gắng đầu tư được ít nhất một trường đạt chuẩn. Bộ Giáo dục Đào tạo quy định, tiểu học chuẩn quốc gia phải đạt 5 tiêu chí: công tác quản lý, chất lượng đội ngũ giáo viên, xã hội hóa giáo dục, hoạt động và chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất - thiết bị trường học.
Riêng về tiêu chí cơ sở vật chất: mỗi trường chỉ được tối đa 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Diện tích đất bình quân cho một học sinh không dưới 6 m2 đối với khu vực nội thành và 10m2 với ngoại thành.
TP HCM hiện thuộc nhóm các địa phương đạt chuẩn quốc gia thấp nhất, cùng Cà Mau, Bình Phước, Sơn La, Ninh Thuận, Cao Bằng, An Giang.
Lan Hương